Chi tiết Bài viết

CEO Trần Đình Tuấn: “Có giá trị rồi thì tiền tự tìm đến với mình”

 

Nghề đào tạo đã mang đến rất nhiều điều thú vị với CEO Trần Đình Tuấn – Giám đốc Công ty đào tạo Cuộc Sống Đúng Nghĩa. Đó là quyết định đúng đắn nhất của anh cách đây 5 năm khi bỏ làm thuê sang làm chủ.

Sau 5 năm khởi nghiệp và mở công ty với rất nhiều khó khăn, thử thách, đến nay Cuộc Sống Đúng Nghĩa đã trở thành một thương hiệu đào tạo được yêu thích trên cả nước. Anh Trần Đình Tuấn rất tự hào về bước chuyển trước đây của mình và chia sẻ về chặng đường đó trong phỏng vấn sau đây.

– Vì sao mà từ một người đang có công việc tốt tại công ty lớn, anh lại quyết định khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đào tạo?
 
 
Thực ra, khi chúng ta ra một quyết định nào đó đều có lí do của nó. Đầu tiên, sau một thời gian đi làm thuê, tôi nhận thấy có một cái vòng luẩn quẩn, tôi bị cuốn vào các công việc tại Công ty. Theo thời gian, tôi thấy công việc bắt đầu nhàm chán vì nhiều năm vẫn làm công việc đó, ngày qua ngày. Hơn nữa, tôi thấy bản thân không có sự phát triển nhiều, tức là khi mình quen việc rồi thì làm như một cái máy, theo quán tính, khả năng sáng tạo không cao.
 
 
Trong khi đó, tôi lại là người thích làm việc theo phong cách tự do, phóng khoáng nên đi làm thuê thì cảm thấy gò bó, nghĩa là mình phải có 8 tiếng phụ thuộc vào thời gian của công ty và không được làm những gì mình yêu thích, mà thời gian ở công ty chiếm phần lớn thời gian của cuộc sống.
 
 
Thời điểm đó, tôi cũng nhận được rất nhiều lời mời đào tạo từ các công ty. Tôi nhận thấy mình có tố chất, đào tạo xong mọi người hài lòng và giới thiệu cho nhiều người khác. Vì thế, tôi thấy rằng đã đến lúc phải làm một cái gì đó riêng và tôi quyết định mở công ty. Xét đi xét lại thì thấy rằng đào tạo là nghề rất hợp với tố chất của mình và tính nhân văn cao, đặc biệt đem lại giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội. Chính lí do đó, nên tôi quyết định lập công ty riêng của mình.
 
 
– Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp và mở công ty, anh có gặp nhiều khó khăn?
 
 
Xuất phát điểm khi mới thành lập công ty, tôi không có nhiều vốn. Tôi chỉ tích lũy được một khoản cơ bản, không đáng kể mà một người thành lập doanh nghiệp cần phải có. Nhưng cũng may là làm trong ngành dịch vụ nên không đòi hỏi vốn nhiều mà vốn chính là chất xám. Do vậy, cái khó khăn nhất không nằm ở vốn mà ở chỗ: Khi đi làm thuê thương hiệu của mình được gắn với thương hiệu công ty, nhưng khi lập công ty riêng thì mình phải tự độc lập về mọi thứ.
 
 
– Khoảng thời gian khó khăn kéo dài bao lâu và anh vượt qua nó như thế nào?
 
 
Khoảng 2 năm đầu tiên vì công ty chỉ đủ cầm cự và dư một chút ít, 3 năm sau công ty phát triển rất tốt. Nhất là năm đầu tiên, áp lực là rất lớn, thậm chí có lúc tôi nghĩ khá tiêu cực và tự hỏi “Con đường mình chọn có đúng không?”. Bản thân tôi rất quyết tâm nhưng đối mặt với những lời bàn tán ra vào của nhiều người, đặc biệt là bố mẹ: Tại sao đang có một công việc tốt như vậy mà lại dừng để làm công việc mạo hiểm, tương lai không biết đi về đâu. Cũng may là lúc đó, tôi sáng suốt và quyết tâm trụ vững. Còn nếu bị tác động thì sẽ không có ngày hôm nay.
 
 
Hồi đầu, việc có hợp đồng là rất vất vả và phải đi tìm từng khách hàng một. Tôi gặp phải rất nhiều lời từ chối do công ty mới mở, chưa có thương hiệu, gặp 10 người thì 9 người lắc đầu, 1 người quan tâm. Với khách hàng quan tâm, đầu tiên, tôi xác định đào tạo miễn phí để họ hiểu được giá trị của mình, sau thấy tốt họ mới hợp tác. Cuối cùng cũng có những hợp đồng đầu tiên và đó là những kỷ niệm rất vui, rất đáng nhớ. Các kết quả ban đầu đạt được là nền tảng quan trọng để giúp tôi tự tin hơn trên những hành trình tiếp theo của mình. Và đúng là gieo cái gì, gặt cái đó, khi mình dám “cho” thì mình sẽ “nhận”
 
 
Hiện tại công ty tôi đã có thương hiệu rất tốt và hầu như các hợp đồng tự đến mà không phải vất vả đi tìm kiếm khách hàng nữa, các khách hàng cứ lần lượt giới thiệu cho nhau sau khi tham gia các chương trình đào tạo.
 
 
Diễn giả Trần Đình Tuấn  trong một chương trình đào tạo cho Sacombank
 
 
– Thời gian 1-2 năm đầu khá chật vật thì thời gian anh dành cho việc trau dồi bản thân như thế nào?
 
 
Thực ra, tôi đã xác định con đường rồi, nếu thực sự muốn phát triển thì mình phải có một giá trị. Mặc dù cuộc sống hối hả, phải trang trải nhiều thứ khiến tôi phải lo kiếm doanh thu. Tuy nhiên, tôi không bao giờ quên việc rất quan trọng là để mình tiếp tục có được sự tin yêu và đón nhận của mọi người thì mình phải có giá trị để họ sẵn sàng đầu tư cho các chương trình đào tạo. Vì vậy, tôi không ngừng trong việc rèn luyện, nâng tầm mình. Chính thời gian đó là động lực để tôi vượt qua được khó khăn và cảm thấy: Tôi chỉ có một niềm đam mê duy nhất là trở thành một chuyên gia đào tạo, đem lại nhiều giá trị cho mọi người và tất cả con đường tôi thực hiện đều hướng đến mục tiêu đó.
 
 
Và với sự nỗ lực không mệt mỏi, sự phát triển kỹ năng của tôi rất tốt và cứ mỗi năm trôi qua nhìn lại, tôi thấy mình tiến bộ nhiều hơn so với trước đây. Các chương trình đào tạo của tôi đã mang lại những giá trị lớn cho các đối tác và khách hàng như giúp cho Công ty nâng cao doanh số, giúp cho các nhân viên có các kỹ năng làm việc tốt hơn, giúp cho các cá nhân tự tin và phát triển được những khả năng của mình…
 
 
Giai đoạn đầu, tôi chưa có điều kiện đi học nước ngoài vì tài chính chưa có. Sau này khi có tài chính đủ mạnh, tôi bù đắp bằng cách thường xuyên đi học tập ở nước ngoài vì tôi hiểu được một điều là: “Những lời chia sẻ của các chuyên gia tầm cỡ thế giới sẽ mang lại rất nhiều giá trị thực tế cho những người tham dự”.
 
 
 
 
HỌC + LÀM=GIÀU Con Đường Thành Công
Nhờ luôn trau dồi, học hỏi và nâng tầm bản thân, anh Trần Đình Tuấn đã trở thành một chuyên gia đào tạo được yêu mến
 
 
– Khi đã trở thành chủ doanh nghiệp được 5 năm, anh thấy rằng nghề đào tạo mang lại sự giàu có như thế nào?
 
 
Quan điểm của tôi khi bước vào nghề là vì nghề này rất nhân văn và mang tính cộng đồng. Khi tôi đặt tên công ty là Cuộc Sống Đúng Nghĩa là hướng đến điều đó. Tôi muốn những gì mình biết sẽ được chia sẻ rộng khắp với mọi người trên mọi miền tổ quốc để giúp cho mỗi người dân Việt Nam hoàn thiện được các kỹ năng của mình, từ đó cũng góp phần vào sự phát triển của đất nước.
 
 
Xét về mặt kinh tế, tôi tin đây là nghề có thu nhập rất tốt nếu mình có đủ năng lực, đủ giá trị để lan tỏa đến người nghe. Nếu như mua một sản phẩm hữu hình thì chi phí là cố định nhưng mua một sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm đào tạo thì nó mang tính vô hình và rất khó đo lường. Có những kiến thức không thể quy ra bằng tiền. Vì kiến thức đó học một lần nhưng được sử dụng liên tục trong suốt phần đời còn lại của mỗi người.
 
Nếu xét về góc độ làm giàu từ nghề đào tạo để được theo kiểu tỉ phú thì đây không phải là lựa chọn, nhưng xét về mặt đầy đủ, sống thoải mái và tự do tài chính thì có thể đạt được. Thu nhập từ nghề đào tạo có thể giúp bạn sống theo cách của mình, có thời gian riêng cho mình và gia đình, có điều kiện phát triển cá nhân và cảm nhận được nhiều điều ý nghĩa từ cuộc sống.
 
 
Đến thời điểm này, tôi thấy hài lòng về cách tạo lập tài chính của mình vì tôi cảm nhận được sự bền vững, cảm giác bình an và hạnh phúc trọn vẹn với công việc của mình.
 
 
– Làm nghề đào tạo, anh thấy nghề này có điều thú vị gì mà các nghề khác không có?
 
 
Riêng với nghề đào tạo, có một số điểm mà tôi thấy thú vị hơn so với các nghề khác:
 
Đầu tiên là sự gặp gỡ đa dạng nhiều đối tượng: Nhiều nghề khác cũng hay phải gặp gỡ như kinh doanh, marketing… nhưng thường là gặp đối tượng làm ăn, đối tác. Còn nghề đào tạo thì có cơ hội gặp rất nhiều đối tượng: Cán bộ nhà nước, các chủ doanh nghiệp, nhân viên văn phòng, nông dân, sinh viên, những người làm việc tự do… Tức là nhiều đối tượng từ bình dân, trung lưu đến cao cấp. Từ đây tôi thấy vốn sống của mình được nâng cao hơn.
 
 
Thứ hai là đã đi đào tạo người khác thì bản thân mình phải tự phát triển liên tục, đòi hỏi mình phải mới mỗi ngày để hôm sau phải có gì khác hôm trước, tháng trước, năm trước. Vì thế, bản thân mình không được dừng lại mà phải liên tục phát triển. Và nó hình thành cho tôi một thói quen là luôn dành thời gian nhìn lại để hoàn thiện và làm phong phú những kiến thức, kỹ năng của mình.
 
 
Thứ ba là khi tôi nhận được những email, tin nhắn, cuộc điện thoại chia sẻ của các học viên về sự thay đổi tư duy, nhận thức, kiến thức cũng như khả năng hành động sau các buổi đào tạo, khi đó tôi cảm thấy rất hạnh phúc và ý nghĩa từ việc chia sẻ và cảm thấy mình đang thực hiện tốt sứ mệnh cuộc đời.
 
 
Thứ tư, tôi thấy đây là môi trường tôi có cơ hội gặp nhiều người giỏi, nhiều người thầy một cách tình cờ – đó là những học viên đang ngồi bên dưới, nhiều người có những trải nghiệm và kỹ năng đáng để học hỏi. Đến với mỗi  công ty tôi cũng được lắng nghe những chia sẻ, những kinh nghiệm quý báu trong cách điều hành doanh nghiệp, cũng như những cách thức để vượt qua mọi biến cố của thị trường. Vì vậy, khả năng hiểu biết của bản thân tôi ngày càng được mở rộng và nâng cao.
 
 
 
 
 
 
Làm nghề đào tạo và trực tiếp giảng dạy đã mang đến cho anh Trần Đình Tuấn nhiều trải nghiệm thú vị mà làm nghề khác không có
 
 
– Để dành một lời khuyên cho các bạn trẻ hiện nay đang muốn phát triển bản thân trong lĩnh vực đào tạo, anh sẽ chia sẻ điều gì?
 
 
Trong 5 năm trở lại đây, đào tạo là một nghề “hot” và rất sôi động với sự xuất hiện của nhiều công ty đào tạo tại VN. Nghề đào tạo được truyền thông rộng rãi hơn, những chương trình đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng mềm… đã được mọi người trong xã hội biết đến và chú ý nhiều hơn. Và thực sự đây là một cơ hội phát triển sự nghiệp rất tốt vì nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp và cá nhân không ngừng tăng cao theo thời gian.
 
 
Tuy nhiên khi tiếp xúc thì tôi thấy các bạn trẻ đang có cái nhìn hơi lệch lạc về nghề. Đa số các bạn đến với nghề là để được nổi tiếng, được trọng vọng. Thứ 2, các bạn đến với nghề vì siêu lợi nhuận, vì tiền đầu tư không nhiều mà khả năng tạo lợi nhuận khá lớn và nhanh. Chính vì 2 suy nghĩ trên mà các bạn đến với nghề này với sự vội vàng. Một số bạn trẻ chưa được đào tạo bài bản hoặc chưa có nhiều trải nghiệm mà vẫn đứng lớp hoặc chia sẻ trước công chúng.
 
 
Tôi có một chia sẻ với các bạn thế này: Khác với các sản phẩm khác, khi đã làm nghề đào tạo, tức là truyền 1 tư tưởng, 1 kỹ năng, 1 kiến thức mà lại không chuẩn thì không chỉ ảnh hưởng tới người học mà còn ảnh hưởng đến người thân, bạn bè, gia đình họ. Nếu xét ở bình diện rộng hơn là ảnh hưởng đến xã hội. Nên một người đứng lớp mà không có Tâm và không đủ năng lực thì ảnh hưởng tiêu cực rất lớn và kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.
 
 
Đứng dưới góc độ người đi trước, tôi chỉ khuyên các bạn trẻ: Hãy đến với nghề bằng một sự bình tĩnh và đừng nhìn vào những mặt hào nhoáng bên ngoài. Những người đang thành công trong nghề đào tạo là vì họ đã có một quá trình nỗ lực và gặp không ít thất bại sau một khoảng thời gian dài phấn đấu hết mình cho sự nghiệp. Bên cạnh, nghề này cũng có sự sàng lọc rất lớn, vì chỉ cần đứng trước công chúng, người nghe sẽ cảm nhận được bạn là ai và họ sẽ quyết định có quay lại tham dự các chương trình của bạn nữa hay không? Các bạn trẻ nên đến với nghề bằng sự học hỏi, rèn luyện và nâng cao các kiến thức, kỹ năng để những chia sẻ của mình không mang tính lý thuyết, sáo rỗng mà mang tính trải nghiệm, có khả năng áp dụng vào thực tế. Các bạn cũng chớ nghĩ rằng nghề đào tạo kiếm được nhiều tiền. Trước khi nghĩ đến có nhiều tiền, hãy nghĩ mình phải tạo cho bản thân một giá trị đủ lớn. Và lúc bạn có giá trị rồi thì tiền sẽ tự tìm đến với mình.

 

Khởi tạo ngay chiến dịch Marketing dành cho doanh nghiệp bạn
Chat hỗ trợ
Chat ngay